Đại sứ quán là gì? Phân biệt Đại sứ quán và Lãnh sự quán
Đại sứ quán là thuật ngữ mà bất kỳ ai cũng từng nghe qua. Tuy nhiên không phải ai cũng biết định nghĩa chính xác hay khái niệm của đại sứ quán. Vậy đại sứ quán là gì và nhiệm vụ của đại sứ quán là gì? Hãy cùng ANA Immigration tìm hiểu qua bài viết sau đây!
Đại sứ quán là gì?
Đại Sứ Quán chính là cơ quan đại diện ngoại giao cho một quốc gia tại một quốc gia khác, cơ quan này chỉ được thiết lập khi hai nước có quan hệ ngoại giao cùng nhau và đồng ý thiết lập ra cơ quan ngoại giao.
Chính vì vậy nếu hai quốc gia có quan hệ ngoại giao nhưng không đồng ý thiết lập cơ quan ngoại giao thì cũng không thể thành lập nên Đại Sứ Quán hai nước đó.
Người đứng đầu của đại sứ quán là Ngài Đại Sứ hoặc Ngài Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền. Ngoài ra đại sứ quán còn có các chức vụ khác là Tham tán, Bí thư, Tùy viên,…
Đại Sứ Quán có quyền hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm: chính trị, kinh tế, quân sự. Chức năng chính của Đại Sứ Quán là quảng bá hình ảnh của đất nước và thúc đẩy sự giao lưu văn hóa với nước được thiết lập quan hệ ngoại giao và bạn bè quốc tế.
Ngoài ra đại sứ quán còn cung cấp thông tin liên lạc cho công dân quốc gia mình tại quốc gia sở tại. Cơ quan này cũng đảm bảo an ninh cho công dân của mình ở nước sở tại, tư vấn thủ tục cần thiết cho công dân,…
Đại Sứ Quán còn hỗ trợ cơ hội việc làm và hỗ trợ hoạt động giáo dục cộng đồng qua các chương trình du học, học bổng cho các cấp học,…
Đại Sứ là người chịu trách nhiệm báo cáo với Bộ Ngoại Giao nước sở tại các vấn đề liên quan. Đại Sứ cũng có thể thay mặt cho chính phủ nước đó truyền đạt những ý kiến quan trọng và còn có quyền hạn trong phạm vi cả nước trong các vấn đề: kinh tế, chính trị, visa, văn hóa,…
Một trong số những hoạt động phổ biến nhất mà mọi người phải đến Đại Sứ Quán đó là xin cấp visa để tới nước của Đại Sứ Quán đó.
Đại Sứ Quán là cơ quan luôn luôn đặt tại thủ đô của một quốc gia. Đó là lý do mà Hà Nội là nơi tập trung Đại Sứ Quán của các quốc gia khác ở Việt Nam và ngược lại thì Đại Sứ Quán của Việt Nam cũng được đặt tại thủ đô của các nước có quan hệ ngoại giao.
Nhiệm vụ của Đại Sứ Quán là gì?
Theo quy định trong Điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia nhiệm vụ của Đại sứ quán như sau:
– Đại sứ quán có chức năng, nhiệm vụ thay mặt cho nhà nước của mình tại nước nhận đại diện;
– Đại sứ quán có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nhà nước và công dân nước mình tại nước nhận đại diện;
– Đàm phán cùng với chính phủ của nước nhận đại diện;
– Thông qua những phương pháp hợp pháp, Đại sứ quán tìm hiểu về điều kiện và sự tiến triển, tình hình nước nhận đại diện và báo cáo cho chính phủ nước mình;
– Đại sứ quán thúc đẩy quan hệ hữu nghị, phát triển quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giữa nước mình với nước nhận đại diện.
Ngày nay thì đại sứ quán có thể còn thực hiện cả chức năng lãnh sự, do vậy mà trong đại sứ quán các nước thường có phòng lãnh sự.
Nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam
Cụ thể thì theo quy định Chương II của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước bao gồm:
– Đại sứ quán thúc đẩy quan hệ chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh; Thiết lập, chịu trách nhiệm duy trì và phát triển quan hệ với cơ quan, tổ chức và cá nhân tại quốc gia tiếp nhận; Đại sứ quán phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách đối ngoại trong quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận…
– Phục vụ phát triển kinh tế đất nước: Nghiên cứu chiến lược, chính sách, pháp luật, xu hướng phát triển kinh tế, thương mại… có tác động đến Việt Nam; Tham gia xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; Vận động tranh thủ viện trợ và quảng bá về du lịch Việt Nam…
– Thúc đẩy quan hệ văn hóa: Kiến nghị biện pháp thúc đẩy hợp tác văn hóa; Tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…
– Hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
+ Tuyên truyền, giới thiệu chính sách và pháp luật Việt Nam liên quan đến người Việt ở nước ngoài.
+ Tổng hợp, báo cáo về tình hình cộng đồng và công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
+ Hỗ trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập; Kiến nghị biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam…
+ Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
+ Kiến nghị khen thưởng thích hợp đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng cộng đồng và đóng góp xây dựng đất nước…
Phân biệt Đại sứ quán và Lãnh sự quán
Lãnh sự quán và đại sứ quán là gì? Lãnh sự quán và đại sứ quán được phân biệt cụ thể như sau:
Khái niệm
Đại Sứ Quán: là cơ quan đại diện ngoại giao cho một quốc gia được đặt tại thủ đô một quốc gia khác, cơ quan này chỉ được thiết lập khi hai nước có quan hệ ngoại giao cùng nhau và đồng ý thiết lập ra cơ quan ngoại giao.
Lãnh sự quán: là cơ quan đại diện ngoại giao của nhà nước tại thành phố ở nước ngoài, phụ trách một vùng nào đó.
Mục đích thành lập
Đại sứ quán: là cơ quan được thiết lập khi hai nước có quan hệ ngoại giao cùng nhau và đồng ý thiết lập nên cơ quan ngoại giao.
Lãnh sự quán: được thiết lập sau Đại Sứ Quán, cơ quan này được thiết lập khi mà quan hệ ngoại giao của hai nước đã đạt đến một mức nào đó, thấy cần thiết phải có Tổng Lãnh Sự Quán.
Vị trí
Đại Sứ Quán: luôn luôn đặt tại thủ đô các nước, vì vậy nên tất cả đại sứ quán đều đặt tại Hà Nội.
Lãnh sứ quán: tổng Lãnh Sự quán được đặt ở các thành phố lớn. Ở Việt Nam tất cả các Tổng Lãnh Sự Quán các nước đều đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, một vài quốc gia có thêm Tổng Lãnh Sự Quán ở Đà Nẵng.
Người đứng đầu cơ quan
Đại sứ quán: Người đứng đầu Đại sứ quán là Đại Sứ, tiếp theo đó là các chức vụ khác: Tham tán, Bí thư, Tùy viên,…
Lãnh sự quán: Người đứng đầu của Tổng lãnh sự quán là Tổng Lãnh Sự, tiếp theo đó là Phó Tổng Lãnh Sự, Lãnh Sự rồi Phó Lãnh Sự, Tùy viên,…
Nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan
Đại sứ quán: Đại sứ là người đứng đầu và có quyền hạn trên phạm vi cả nước trong các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, chính trị, thị thực (visa)… Đại sứ còn chịu trách nhiệm báo cáo lên Bộ Ngoại Giao nước sở tại.
Lãnh sự quán: Cấp trên của Tổng Lãnh Sự chính là Bộ Trưởng Ngoại Giao, Tổng Lãnh Sự Quán báo cáo lên Bộ Ngoại Giao và không phải báo cáo lên Đại Sứ Quán.
Tổng lãnh sự quán nhỏ hơn Đại sứ Quán nhưng cả hai hoạt động độc lập với nhau.
Về ngoại giao
Đại sứ quán: Chỉ Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền mới có quyền hạn thay mặt chính phủ nước đó truyền đạt những ý kiến quan trọng.
Lãnh sự quán: Tổng lãnh sự quán chịu trách nhiệm trong vùng mà mình quản lý.
Lĩnh vực hoạt động
Đại sứ quán: Hoạt động của Đại sự quán rộng hơn Lãnh sự quán, gồm các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế,..
Lãnh sự quán: Hoạt động của Tổng lãnh sự quán hẹp hơn, chủ yếu là kinh tế và visa.
Đại sứ quán là cơ quan nắm giữ chức năng nhiệm vụ quan trọng với một quốc gia. Hi vọng qua bài viết của ANA Immigration, bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi Đại sứ quán là gì.